Các nhà thờ đẹp ở Đà Lạt

Nhà thờ chính tòa Đà Lạt (Nhà thờ Con Gà)

Nhà thờ chính tòa Đà Lạt (Ảnh – Marvin Nguyen)

Nhà thờ chính tòa Ðà Lạt (tên chính thức: Nhà thờ chính tòa Thánh Nicôla Bari, còn có tên gọi khác là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có hình con gà lớn) là một nhà thờ công giáo ở Việt Nam. Đây là nhà thờ chính tòa của vị giám mục Giáo phận Đà Lạt, cũng là nhà thờ lớn nhất Đà Lạt, một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của thành phố này do người Pháp để lại. Nhà thờ nằm trên đường Trần Phú (gần khách sạn Novotel) thành phố Đà Lạt.

Nhà thờ nằm trên đường Trần Phú, có thiết kế theo kiểu mẫu của các nhà thờ Công giáo Roma ở châu Âu, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Roman. Mặt bằng nhà thờ theo hình chữ thập (giống thánh giá) có chiều dài 65m, rộng 14m, tháp chuông cao 47m. Với độ cao đó, từ tháp chuông, bạn có thể nhìn thấy toàn thành phố. Cửa chính nhà thờ hướng về núi Langbiang.

Mặt đứng với phần tháp chuông vươn cao. Những đường nét, chi tiết trên mặt đứng hoàn toàn phỏng theo nguyên gốc của các kiểu mẫu châu Âu. Cửa sổ có vòm cung tròn, các đường nét mạnh mẽ, dứt khoát, tổ chức theo phân vị đứng, mái lợp ngói thạch bản, đặc biệt là tỷ lệ giữa các mảng khối rất hài hoà và chặt chẽ.

Nội thất thánh đường gồm 3 gian: 1 gian lớn ở giữa và 2 gian nhỏ ở hai bên. Mặt cắt công trình thể hiện rõ hệ cuốn theo dạng cung nguyên với dãy cuốn và hệ vòm nôi. Các cột trong nội thất có hệ đầu cột, mô phỏng dạng cổ điển kết hợp với tự phát. Cả mặt bằng và mặt đứng đều được thiết kế đối xứng nghiêm ngặt theo lối cổ điển.

 

Nhà thờ Domaine de Marie (Mai Anh)

Nhà thờ Domaine de Marie còn được gọi là nhà thờ Vinh Sơn (vì là nguyện đường của các soeurs Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn), nhà thờ Mai Anh (vì trước đây khu vực này có rất nhiều hoa mai anh đào). Đây là một cụm kiến trúc bao gồm nhà nguyện và hai dãy nhà tu viện nữ tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn với tổng diện tích là 12 ha nằm trên đường Ngô Quyền cách trung tâm thành phố Đà Lạt vào khoảng 1 km về hướng tây nam.

Nhà thờ Mai Anh (Ảnh – break_away)

Bố cục kiến trúc nhà thờ vẫn là dạng mặt bằng chữ thập nhưng tỷ lệ có phần tự do hơn, thoát ra hẳn những quy định nghiêm ngặt về kiến trúc tôn giáo tại châu Âu. Chiều rộng 11 m và chiều dài là 33 m. Có hai đường bậc thang đi lên cửa chính và nhập lại ở sảnh chính. Mặt ngoài của nhà thờ được thiết kế theo hình tam giác cân, trên đỉnh nhọn của nóc mái có gắn cây thánh giá, phía trước được tô điểm bởi các cửa vòm nhỏ hình lưỡi mác. Chính giữa mặt đứng, phía gần đỉnh mái có một cửa sổ hoa hồng hình tròn, một chi tiết thường xuất hiện trong các nhà thờ Pháp cuối thế kỷ 17.

Các cửa sổ mái nhô ra từ phần mái lớn, vừa tạo điểm nhấn duyên dáng cho một diện tích mái khá lớn, vừa là nơi gắn những tấm kính màu chiếu sáng cho không gian thánh đường thêm phần lung linh, huyền ảo. Hệ thống mái, có hình dáng tựa như nhà rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Thêm vào đó, nhà thờ còn được xây dựng bằng chất kết dính là vôi, mật mía, và một số vật phụ gia khác, hầu hết đều lấy từ Việt Nam. Từ khi hoàn thành đến nay nhà thờ chỉ dùng vôi màu hồng đậm để quét tường, sáng rực lên khi có ánh mặt trời chiếu vào, rất đặc trưng mà bạn không thể nào nhầm lẫn khi đến Đà Lạt.

 

Nhà thờ Cam Ly

Nhà thờ Cam Ly (Cam ly là tên một ngọn thác ở Đà Lạt) hay nhà thờ Sơn Cước là một nhà thờ của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam. Nhà thờ phục vụ chủ yếu cho người dân tộc thiểu số. Nhà thờ do linh mục Boutary, người Pháp, đã gắn bó nhiều năm với người dân tộc thiểu số và nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ đứng ra xây dựng. Nhà thờ được xây dựng trong 6 năm từ 1960-1968.

Nhà thờ Cam Ly chủ yếu phục vụ cho người dân tộc thiểu số ở phía Tây Đà Lạt (Ảnh – bố su su)

Kiến trúc nhà thờ được nghiên cứu cách điệu từ mái nhà rông cổ truyền của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, và được thể hiện theo tinh thần của trường phái kiến trúc thô mộc. Có sự kết hợp hài hào giữa kiến trúc phương tây và truyền thống của người dân tộc.

Ở tiền sảnh có hình hai con thú: con cọp tượng trưng cho sức mạnh; con chim phượng hoàng tượng trưng cho sự thông thái. Người dân tộc cảm thấy an toàn khi có con cọp canh gác gần đó và con chim phượng hoàng cảnh báo từ xa. Ngoài ra, những con thú này cũng có tượng trưng cho ý nghĩa tôn giáo: Người nguyên thủy có bản năng hoang dã như con cọp, nhưng khi được hoàn thiện bởi Chúa, sẽ trở nên khôn ngoan như con chim phượng hoàng.

Leave Comments

0901 888 999
0901 888 999